Cuối đời Khang_Hi

Cửu tử đoạt đích

Khang Hi Đế vốn đã lập con lớn Dận Nhưng làm Thái tử, song Dận Nhưng đạo đức kém, tính tình xấu xa[28] nên ông liền phế truất. Trước ngôi thái tử bỏ trống, các hoàng tử kéo bè cánh để tranh giành ngôi thừa kế, trong đó những người có ý định tranh ngôi là Đại A ca Dận Thì, Tam A ca Dận Chỉ, Tứ A ca Dận Chân, Bát A ca Dận Tự và Thập tứ A ca Dận Trinh. Trong đó, Đại A ca vì bị tội nên bị tước đoạt vương vị, Tam A ca là người bác học không thông hiểu việc chính sự, Bát A ca uy vọng trong triều quá lớn khiến Khang Hi cảm thấy bị uy hiếp nên những người này đều bị bỏ qua. Cuộc chạy đua đến ngai vàng chỉ còn là cuộc đua giữa Dận Chân và Dận Trinh. Đây được gọi là [Cửu tử đoạt đích; 九子夺嫡].

Năm Khang Hi thứ 61 (1722), ngày 13 tháng 11 (tức ngày 20 tháng 12 dương lịch), Khang Hi Hoàng đế băng hà tại Sướng Xuân viên, Thuận Thiên phủ. Hưởng thọ 69 tuổi, ở ngôi 61 năm, là hoàng đế ở ngôi lâu nhất trong lịch sử Trung Quốc[19][29][30].

Tranh cãi

Vãn niên Khang Hi Đế.

Các sử gia ghi nhận có nhiều ghi chép khác nhau về việc qua đời và truyền ngôi của Khang Hi Đế. Có ý kiến cho rằng ông bị Hoàng tử thứ tư Dận Chân đầu độc sát hại để lên nối ngôi[31]. Có ý kiến cho rằng Khang Hi Đế không bị giết; ông vốn có ý định truyền ngôi cho Hoàng tử thứ 14 là Dận Trinh[32] - trong di chiếu ông đã viết "truyền ngôi cho con trai thứ 14". Khi ông qua đời, hoàng tử thứ tư là Dận Chân đã liên kết với Tổng đốc Xuyên Thiểm Niên Canh Nghiêu và Cửu Môn Đề Đốc Long Khoa Đa sửa chữ "thập" (十 - mười) thành chữ "vu" (于 - cho), vì vậy nghĩa di chiếu hiểu là "truyền ngôi cho con trai thứ 4"[33].

Theo Dịch Trung Thiên, cách nói trên chỉ để lừa gạt bọn vô học dân chợ búa, nói thế không chỉ để hạ thấp Ung Chính Đế mà còn là xem thường Khang Hi[34]. Người tạo ra cách nói trên không hiểu được quy chế vương triều Thanh, khi nói di chiếu "Truyền vị Thập tứ tử Dận Trinh" mà bị Ung Chính và Long Khoa Đa sửa chữ "thập" thành chữ "vu" như trên thành "Truyền vị vu (cho) Tứ tử Dận Chân". Theo quy chế nhà Thanh, đàng trước số thứ tự phải có chữ "hoàng" và Dận Chân phải viết là hoàng tứ tử, Dận Trinh là hoàng thập tứ tử. Như vậy di chiếu theo đúng quy chế nhưng theo cách nói trên phải viết là "Truyền vị Hoàng thập tứ tử Dận Trinh" bị sửa thành "Truyền vị Hoàng vu tứ tử Dận Chân", thế này thì làm sao hiểu được?[34] Hơn nữa đây là triều Thanh, không phải triều Minh, di chiếu truyền ngôi phải được viết bằng cả tiếng Hán và tiếng Mãn. Dận Chân có thể sửa được văn bản tiếng Hán nhưng chẳng thể sửa văn bản tiếng Mãn được.[34]

Dịch Trung Thiên cũng cho rằng Khang Hi Đế vốn đã chọn Dận Chân làm người nối nghiệp. Có những dẫn chứng sau: vào đại lễ đăng cơ 60 năm (1721), Dận Chân được cha cử đi tế Tam đại lăng - những lăng mộ tổ tiên vương thất Đại Thanh ở Thịnh Kinh. Năm thứ 61 (1722), Dận Chân thay cha tế trời ở đàn Nam Giao, ngày Đông chí. Đây là ngày lễ lớn của đất nước, một hoàng tử thay cha đi tế trời đất tổ tông thì gần như được ngầm chỉ định là người kế vị[35]. Mùa xuân năm thứ 61, Khang Hi đi xem hoa ở vườn Viên Minh, thấy được Hoằng Lịch, con thứ tư của Dận Chân thông minh nhanh nhẹn thì mừng lắm, đem cháu về cung nuôi và tự dạy dỗ. Mọi người đều ngầm hiểu Khang Hi muốn truyền ngôi cho Dận Chân vì:"Để Hoằng Lịch làm hoàng đế thì trước hết phải để cha hắn làm hoàng đế"[36].

Khi thái tử Dận Nhưng bị phế, ai cũng muốn dồn vào chỗ chết, Đại A ca hận Dận Nhưng tận xương, Bát A ca ở thế đối đầu với Dận Nhưng, hai người này ai làm hoàng đế thì Dận Nhưng cũng chắc chắn phải chết. Chỉ có Dận Chân đứng ra bảo vệ anh. Khang Hi không muốn mình mất đi mà Dận Nhưng bị anh em giết hại nên đánh giá cao hành động của Dận Chân, cho rằng dưới tay người này thì anh em của y sẽ không bị khổ. Thực tế thì Dận Chân sau khi làm vua đối xứ rất tốt với Dận Nhưng và gia đình y. Đây có thể là một trong những nguyên nhân làm Khang Hi muốn truyền ngôi cho Dận Chân[37].

Việc Khang Hi Đế không lập Thái tử rất có thể là để bảo vệ Dận Chân khỏi sự công kích của đám anh em cũng như muốn an hưởng tuổi già những năm cuối đời[38]. Khang Hi đã sắp xếp xong: năm thứ 57 (1718), phong Dận Trinh làm Đại tướng quân vương, ra trấn thủ Tây Bắc, tách xa khỏi bè đảng Dận Tự, Dận Đường. Chức "Đại tướng quân vương" này xem thì hay, nhưng thực ra chẳng là gì: nói là tướng quân nhưng lại là vương, là vương nhưng không có phong hiệu, chỉ là vương "giả"[39]. Đây là cách sắp xếp rất tinh tế: Dận Trinh muốn ngôi báu nhưng ở xa nên chẳng thể làm gì; Dận Chân có đối thủ nên không thể kiêu ngạo; bọn Dận Tự có hy vọng nên sẽ không mạo hiểm[38]. Và Khang Hi cũng đã để lại đường rút: nếu Dận Chân không được như nguyện thì triệu Dận Trinh về là xong. Dận Trinh là Đại tướng quân vương, nối ngôi chẳng có gì là đường đột. Dận Chân được như ý thì cũng dễ nói với Dận Trinh, dù sao cũng chỉ là vương "giả"[40]. Hơn nữa một hoàng đế mưu sâu chí xa như Khang Hi đã sắp đặt nhân sự hết: Niên Canh Nghiêu, nô tài của Dận Chân nắm giữ lương thảo của đại quân và khống chế đường về của Dận Trinh. Có họ Niên ở đó, Dận Trinh không thể bức cung đình, không thể mưu phản[41][41].

Nhận định

Đương thời, một giáo sĩ người phương Tây từng làm việc cạnh Khang Hi mô tả ông như sau[42]:

Hoàng đế là người tầm thước, hiền từ, chín chắn, cử chỉ đoan trang. Ông có vẻ bề ngoài uy nghiêm bất kể nhìn từ phương diện nào… Ông là người … hiểu biết rất nhiều lĩnh vực khoa học, hàng ngày đều dốc sức tìm tòi nghiên cứu, lại phải giải quyết công việc trong nước, vì thế buổi sáng và buổi tối ông đều định ra một thời gian nhất định để học tập

Khang Hi là vị vua thông minh, tài hoa, cẩn thận, cần cù, sống giản dị, tính tình khoan hòa, nhưng can đảm và cầm quân giỏi. Hàng ngày, ông thường tự tay xử lý 300-400 bản tấu, sớ, nhiều đêm làm việc tới tận canh ba[43]. Các sử gia Trung Hoa ví ông với Đường Thái Tông, còn các học giả phương Tây cho rằng triều đại ông rực rỡ như triều Sa hoàng Pyotr Đại đế (1682 - 1725) của nước Nga dưới Vương triều Romanovvua Louis XIV (16381715) của nước Pháp dưới vương triều Bourbon đương thời[9].

Dù còn một số hạn chế, Khang Hi được đánh giá là vị Hoàng đế có nhiều thành tích chính trị và có nhiều ảnh hưởng trong lịch sử vương triều Thanh[44]. Dưới thời cai trị của Khang Hi, vương triều Thanh mới thành lập đi vào con đường cường thịnh. Thời kỳ ông cai trị có cả thành tích văn và võ, củng cố cơ sở thống trị cho nhà Thanh một cách vững chắc. Ông đã để lại sự khai sáng cho đường lối cai trị đất nước vững vàng sang thế kỷ 18 cho người cháu nội là Càn Long, được các sử gia gọi là "Khang Càn thịnh thế"[45].